Người Ý là như vậy: yêu thích quây quần bên gia đình bạn bè buôn chuyện trời trên trời dưới biển trong khi thưởng thức những món ăn hấp dẫn, và họ tự hào về điều đó!

Câu chuyện (hay việc giải tỏa tất cả những nghĩ suy trong lòng) chẳng bao giờ có thể kết thúc hay trở nên nhàm chán bởi đó là cá tính bẩm sinh, là nguồn sống (có thể ví như khí trời) của mỗi người Ý, còn số món ăn mà họ có thể chế biến, cũng đố ai đếm được. Sở hữu văn hóa ẩm thực giàu đẹp được cả thế giới ca ngợi là một vận may của người Ý, nhờ bản chất vùng miền đặc trưng nhưng đa dạng và những giao thoa của nhiều nền văn hóa lớn như Pháp, Tây Ban Nha, Áo, Ả-rập,… trong quá trình lịch sử lâu đời. Hãy chỉ lấy riêng số loại pasta nguyên liệu làm ví dụ để có thể tưởng tượng được sự phong phú đến cỡ nào của ẩm thực Ý, chưa cần nói đến số lượng thực đơn xung quanh mỗi loại pasta đó. Nhưng trước hết hãy khám phá pasta được sinh ra từ bao giờ và như thế nào.

Pasta có lịch sử rất lâu đời và nhiều giai thoại được lưu truyền xung quanh sự phổ biến của nó. Cách đây khoảng 7.000 năm, khi con người từ bỏ cuộc sống du canh du cư và chuyển sang canh tác đất, họ đã khám phá ra lúa mì và luôn tìm tòi để nâng cao chất lượng cũng như năng suất và đa dạng hóa các công thức chế biến. Món ngon phổ biến đầu tiên được làm từ hạt lúa mì tách vỏ, xay, nhào với nước, nặn thành bánh và nướng trên một tảng đá nung nóng bằng củi.

THỜI LA MÃ CỔ ĐẠI

100 năm trước công nguyên, món ăn được ưa chuộng nhất là lagana, làm từ những dải bột nhào nước cán mỏng, nguồn gốc của lasagna ngày nay.

THỜI TRUNG CỔ

Truyền thuyết kể rằng, vào năm 1292 Marco Polo là người đầu tiên đã mang mì sợi từ Trung Hoa về Ý theo con đường tơ lụa. Tuy nhiên có sách viết pasta đã hiện hữu tại Ý thậm chí trước khi Marco Polo được sinh ra. Theo nhiều nghiên cứu, có thể chính người Ả-rập đã tạo điều kiện cho pasta du nhập vào nước Ý vào khoảng năm 1000. Trong một tài liệu viết năm 1154, nhà vật lý học người Ả-rập Al-Idrin đã nói về một loại «thức ăn hình sợi làm từ bột mì» gọi là triyah được sản xuất tại Palermo. Vậy là người ta liên tưởng ngay đến quê hương Sicilia (mà thủ phủ của vùng chính là Palermo), nơi nổi tiếng với những bậc thầy pasta trong nhiều thế kỉ.

Đủ kiểu pasta, kiểu nào cũng ngon và có cá tính riêng

SAU THỜI TRUNG CỔ CHO TỚI NGÀY NAY

Cho tới năm 1700 thì sự phân loại pasta vẫn chưa rạch ròi, và tất cả đều được gọi chung chung là maccheroni. Người Napoli, vốn coi pasta sợi dài là món khoái khẩu, nên áp luôn maccheroni làm tên riêng cho loại này.

Theo dòng thời gian và sự xích lại gần nhau về không gian, pasta đã được phổ biến và ngày càng nổi tiếng trên toàn thế giới. Cách đơn giản nhất được áp dụng để phân biệt hàng trăm loại pasta nguyên liệu là dựa theo hình dạng, nhưng đôi khi còn có sự tham dự của trứng hoặc loại bột mì được sử dụng; và đối với mỗi loại hình dạng lại có riêng một công thức để giúp vị ngon trở nên hoàn hảo. Cũng may là cho dù hiện diện ở khắp quả đất, cái tên gốc tiếng Ý của các loại pasta vẫn được bảo tồn (nếu có chuyện người ta gọi khác đi thì điều đó chỉ xảy ra trong lòng nước Ý mà thôi!), chứ nếu không thì với một rừng tên gọi bằng đủ các thứ tiếng cho riêng một loại pasta thì chẳng khác nào đẩy một anh chàng cosmopolitan lạc trong xứ sở pasta!

NGƯỜI MỸ Ở ROMA

Nói đến pasta lại nghĩ đến anh chàng Người Mỹ ở Roma, bộ phim nói về bối cảnh xã hội Ý vào năm 1947 khi ảnh hưởng của nước Mỹ trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, tài chính, điện ảnh, âm nhạc và văn hóa bắt đầu bùng phát. Đó là chuyện một thanh niên Ý «siêu đại lãn» nhưng lại cuồng mộ văn hóa Mỹ mang tên Ferdinando sống tại khu phố cổ Roma (vai diễn để đời của diễn viên nổi tiếng Alberto Sordo).

Trong lúc chờ đợi được đặt chân lên đất Mỹ, anh chàng đã cố gắng sống cho ra vẻ dân Mỹ bằng cách bắt chước y chang những cử chỉ hành động của sao Mỹ xem trên màn ảnh rộng và «Mỹ hóa» tối đa có thể – diện quần jeans, áo body trắng và lúc nào cũng đội sùm sụp cái mũ lưỡi trai kiểu bóng rổ, cứ như đời cũng là một bộ phim và anh chàng là diễn viên chính!

Tuy nhiên, dù xã hội hay vẻ bề ngoài có đổi thay thế nào thì Ferdinando cũng vẫn là người Ý và mang trong mình dòng máu thuần Ý. Tự chọn cho mình món mù tạt, mứt quả, sữa chua và sữa tươi, anh chàng không tài nào nuốt trôi cái chất Mỹ ấy vào trong người và phải buộc quay trở lại với pasta. Thế nhưng chàng ta vẫn không chịu thừa nhận sự khoái khẩu của mình và còn vừa nhai nhồm nhoàm vừa om sòm kêu lên:

Tao quyết tâm hủy hoại mày vì mày dám khiêu khích tao, maccaroni ạ!!!”