Nhiều sự tích về café được người ta truyền tai nhau, và theo lẽ thường ai cũng muốn cho là sự tích đầu tiên mà mình được nghe mới đáng tin cậy, trong số đó có chuyện về vị vua đạo Hồi Mohamet. Có phe lại thiên về anh chăn dê tên Kaldi ở tận xứ Abissinia (mà ngày nay thuộc quốc gia châu Phi Ethiopia), một mực khẳng định chính anh mới là người tình cờ khám phá được loại hạt quý báu này.

Chuyện rằng, trong khi đang dựa gốc cây ngủ gà ngủ gật, anh bỗng giật mình thấy chú dê của mình nhảy cẫng lên kêu “be be” hồ hởi. Tò mò tiến lại gần, anh thấy chú ta đang thích chí nhai rệu rạo một mớ quả rụng đo đỏ nhỏ xíu. Cho đây là thứ quả trời ban, anh mừng rỡ hái ngay một vốc đem biếu các thầy tu đạo Hồi sống trong tu viện gần đó. Tuy nhiên, các thầy tu lại nghĩ đây chỉ là loại quả dại thông thường và ném chúng vào lửa. Chẳng ngờ một mùi thơm hấp dẫn chưa từng được cảm nhận đã tỏa ra theo làn khói, khiến các vị ấy phải vội vàng cời chúng ra từ than hồng, đem giã nhỏ rồi pha với nước nóng và có được cốc café đầu tiên trên thế giới. Trời chẳng phụ công Kaldi khi ngày nay thương hiệu chế biến và nhiều chuỗi café mang tên anh đã xuất hiện trên toàn thế giới.

Nhưng cho dù các câu chuyện có được tam sao thất bản như thế nào, xuất xứ của café ra sao, thì người Ý vẫn luôn được công nhận là có gu thưởng thức café phong cách và sành điệu nhất. Trong mọi tâm trạng và ở mọi tình huống, người Ý đều tìm được loại café phù hợp cho tinh thần sảng khoái và tâm hồn thăng hoa. Café được họ “chế tác” tài tình bằng cả đôi bàn tay tỉ mỉ và những chiếc máy hiện đại để cho ra những tác phẩm nghệ thuật như Espresso, Cappuccino, Latte… đến nỗi ở bất cứ một thành phố lớn nào trên thế giới cũng có sự hiện diện của nhà hàng café Ý, với những khách hàng lịch lãm và lãng mạn. Xin giới thiệu đôi nét về một số loại café:

  • Espresso: café được lọc cực nhanh với nước sôi để thu được những giọt màu đen tinh túy và một lớp kem màu nâu rất mỏng bên trên. Trên thực tế, có nhiều loại máy chế espresso theo lý thuyết này và đều tính theo “shot” (mỗi lần máy cho ra, khoảng 25ml) nhưng theo cách thức khác nhau: café nguyên hạt, café xay, café đóng trong hộp nhựa… Nồng độ của espresso đậm đặc nên được phục vụ trong một tách nhỏ đun nóng sẵn hoặc làm nguyên liệu gốc của các loại café khác – thế cho nên cũng có thể coi các loại café Ý có dây mơ rễ má với nhau và làm nên gia phả dòng họ Espresso.
  • Espresso corretto: có hương vị lạ độc đáo được tạo nên khi pha espresso với rượu mạnh, như grappa hay brandy.
  • Espresso lungo: espresso kéo dài, tức là thêm một chút nước trước khi pha cho loãng hơn.
  • Espresso ristretto: espresso đậm đặc với rất ít nước (khoảng 15ml).
  • Espresso doppio: tăng gấp đôi “liều” espresso thường (thành 50ml).
  • Espresso macchiato: espresso cho thêm một chút sữa bọt, tạo nên một đốm tròn trắng giữa cốc (macchiato).
  • Latte: một ly lớn gồm sữa nóng và 2 shot espresso, thường được dùng vào bữa sáng.
  • Latte macchiato: (một chút) café (nhiều) sữa được uống bằng ly.
  • Caffe freddo: espresso lungo được pha rất ngọt và giữ lạnh cho những tháng hè.
  • Red eye: một tách café phin chế thêm 1 shot espresso.
  • Black eye: một tách café phin chế thêm 2 shot espresso.
  • Affogato: kem (truyền thống là vani, nhưng sau này thay đổi vị tùy theo yêu cầu của khách) phủ espresso.
  • Cappuccino: café nổi tiếng nhất và được ưa chuộng nhất, là sự kết hợp hài hòa giữa hai nhân tố tương phản là espresso và bọt sữa. Sức hấp dẫn của nó còn phụ thuộc vào bar tender (tiếng Anh) hay barista (tiếng Ý) – người pha chế. Nếu sở hữu con mắt tinh tế và bàn tay khéo léo, anh sẽ mang đến cho khách hàng cảm giác bay bổng hơn với hình bông hoa, chiếc lá, gương mặt hạnh phúc… vẽ bằng sôcôla, còn không thì một chút bột cacao rắc bên trên cũng mang nét quyến rũ riêng.