
Mỗi năm có hàng triệu lượt khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đến Venezia chiêm ngưỡng vẻ đẹp quyến rũ bí ẩn của thành phố. Với 118 hòn đảo nhỏ ngăn cách nhau bởi 160 con kênh và kết nối với nhau qua 400 chiếc cầu, Venezia sở hữu vẻ đẹp nghệ thuật có một không hai.
Có lẽ không phải ai cũng biết vì sao Venezia lại là sự gắn kết của những hòn đảo như vậy. Vào cuối thế kỉ IV sau CN, đế quốc La Mã lâm vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng và không còn đủ lực để đẩy quân xâm lược Barbari kéo từ phía đông châu Âu ra khỏi vùng đất của mình. Trong số chúng có Unni đã reo rắc kinh hoàng và chết chóc lên nhiều vùng của châu Âu. Năm 452, chúng đến Italia cướp bóc và đốt phá thành phố Aquileia khiến chỉ có ít người kịp thoát sang một vài hòn đảo lân cận và xây dựng lại cuộc sống mới mà ngày nay là Venezia.
Từ thế kỉ X, nhờ vào vị trí địa lý thuận lợi, các thương nhân tài ba và hệ thống chính trị thông minh, Venezia trở thành trung tâm thương mại hàng hải lớn mạnh nhất châu Âu. Trong đó nổi bật là những mặt hàng xa xỉ như tơ lụa, đã được người Venezia buôn từ Ấn Độ và Trung Hoa rồi bán lại cho các nước châu Âu để kiếm siêu lợi nhuận.
Thành phố kỉ niệm quá khứ huy hoàng của mình bằng các lễ hội đua thuyền truyền thống trên 18 bến cảng. Cuộc đua đầu tiên được tổ chức vào ngày 10 tháng 1 năm 1315 khi Giovanni Soranzo giữ chức thị trưởng (Doge). Thông thường, mỗi năm lễ hội đua được tổ chức một lần nhưng tại Venezia con số là bốn: lần đầu vào tháng 5, với hội đua trong trang phục lịch sử bằng những chiếc gondola tưởng nhớ nữ hoàng Caterina Corner đảo Cipro, người đã bị Thổ Nhĩ Kì ép thoái ngôi vào thế kỉ XVI; lần thứ hai là hội đua Cristo Redentore diễn ra vào thứ 7 thứ 3 của tháng 7; lần thứ ba quan trọng nhất diễn ra vào tháng 9 và được trang trọng gọi là lễ hoàng gia bởi theo truyền thống dành cho các khách mời thuộc giới quí tộc; cuối cùng là hội đua tưởng nhớ thời gian, cầu bà chúa Sức khỏe bảo vệ nhân dân khỏi nạn dịch hạch.
Các lễ hội được diễn ra với những cuộc đua thuyền gondola sôi nổi và đặc sắc trong lễ phục thời phục hưng với tiếng la hét hứng khởi của khán giả cho những khoảnh khắc không thể nào quên. Lễ trao giải cũng gây ấn tượng không kém, khi người thắng cuộc được thưởng một túi vàng và cờ đỏ, người về nhì với túi tiền nhỏ hơn cùng cờ xanh lục, người về ba với chiếc cờ xanh da trời trong khi người về thứ tư nhận chiếc cờ màu vàng và một chú lợn con (theo quan niệm lợn là loài vật thấp hèn).
Lễ hội được yêu thích nhất diễn ra vào tháng 5 mừng ngày Chúa giáng trần, được tổ chức 40 ngày sau lễ Phục sinh. Lịch sử kể rằng, vào ngày này năm 997, vị thị trưởng Pietro Orseolo đã lãnh đạo giành chiến thắng đoàn quân cướp biển đã từng gây nguy hiểm cho những con tàu đi trên biển Adriatic, đồng thời chinh phục Istria và Dalmazia. Chính vì vậy mà hai địa điểm này trở thành một phần của đế chế Venezia và được quan niệm như quý bà của Địa Trung Hải. Để nhớ về ngày truyền thống, thị trưởng và giám mục Venezia sẽ bước lên một con tàu trang trí tuyệt đẹp mang tên Bucintoro (bue-centauro, con vật thiêng xua đuổi kẻ thù). Sau khi tới nhà thờ San Nicolò, vị giám mục sẽ cầu phước lành cho một chiếc nhẫn và trao cho thị trưởng để ném xuống biển theo nghi lễ cổ xưa: “Hỡi biển khơi, xin đính ước với người như dấu hiệu của quyền thống trị đích thực và vĩnh viễn”. Lễ này bắt nguồn từ thế kỉ XIII, khi cha Alessandro III tới Venezia gặp hoàng đế Federico Barbarossa và tặng thị trưởng một chiếc nhẫn đế tỏ lòng khâm phục sự hùng mạnh của thành phố.